“Tối hậu thư” này được đưa ra tại buổi làm việc của UBND tỉnh Quảng Nam với các sở ngành liên quan cùng lãnh đạo các địa phương có dự án thuỷ điện nằm trong quy hoạch của tỉnh diễn ra ngày 10/10.
Theo đó, lãnh đạo Quảng Nam nhấn mạnh việc cần phải rà soát, kiểm tra lại và tiến hành ký cam kết với nhà đầu tư về tiến độ thi công 17 dự án thuỷ điện, nếu cần thiết sẽ loại bỏ các dự án này.
Thực tế cho thấy, đến nay hầu hết các dự án thủy điện đã được cấp phép đầu tư, nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết tiến độ đề ra. Thậm chí có một số dự án không thực hiện xây dựng, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Tỉnh Quảng Nam sẽ loại bỏ các dự án thủy điện chậm tiến độ
Theo ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng thuỷ điện có cái được và cái mất. Tuy nhiên, thời gian qua những hệ lụy do thủy điện gây ra khá nhiều. Vì vậy, yêu cầu các Sở TN-MT, NN-PTNT, Công thương khẩn trương rà soát lại các dự án thuỷ điện như Đăk Mi 2, Đăk Mi 3…, đồng thời tiến hành ký cam kết với các chủ đầu tư thực hiện thi công theo tiến độ. Nếu chủ đầu tư chậm trễ, hoặc không cam kết kiên quyết loại bỏ hoặc kiến nghị loại bỏ khỏi quy hoạch những thuỷ điện này.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 44 dự án thuỷ điện lớn, nhỏ với tổng công suất 1.500 MW. Trong đó đã có 11 thủy điện đã đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, những mặt tiêu cực của thủy điện mang lại cho Quảng Nam là rất lớn như chặn dòng sông, hậu quả gây ra sông “chết”; điều tiết xả lũ của thủy điện rất phức tạp, khó kiểm soát; mất rừng, mất cân bằng sinh thái; cô lập các vùng dân cư; nước biển xâm nhập sâu vào đất liền gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp.