Với công suất trên, thủy điện Sơn La là nhà máy có công suất lớn nhất trong nấc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà (Thủy điện Hòa Bình: 1.920 MW; Thủy điện Lai Châu: 1.200MW); lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.
Thêm 2 lần tăng giá
Nằm ở bậc thang thứ 2 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà, Sơn La là công trình thủy điện có công suất lớn nhất với công suất lắp đặt 2.400MW, gồm 6 tổ máy (6 tổ x 400 MW). Điện lượng trung bình năm: 10,246 tỷ kWh (trong đó tăng cho thủy điện Hòa Bình là 1,267 tỷ kWh).
Từ ngày vận hành, thủy điện Sơn La đã đóng góp 12,7 tỷ KWh điện.
Mặc dù nhà máy TĐ Sơn La đi vào hoạt động nhưng dự kiến, giá điện vẫn tăng 4 lần vào năm 2013
Tuy nhiên, điều người dân quan tâm nhất vẫn là vấn đề có còn phải chịu cảnh cắt điện luân phiên vào mùa khô, hay việc tăng giá điện thường xuyên khi nhà máy này đi vào hoạt động?
Đúng 1 ngày trước khi khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La (23/12), ngày 22/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng thêm 5% giá điện.
Không những thế, trong cuộc họp báo ngày 21/12, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: từ năm 2013, cứ 3 tháng, EVN sẽ tính toán lại giá điện 1 lần. Như vậy, năm 2013, giá điện có thể sẽ phải tăng nhiều lần chứ không chỉ 2 lần (tháng 7 và tháng 12) như năm 2012.
Lý giải về sự tăng giá này, ông Tri cho biết, năm 2013, EVN lo nước miền Trung thiếu hụt sẽ làm thiếu hụt 1,5 tỷ kWh điện buộc EVN phải chạy dầu, nếu vậy chi phí sẽ tăng thêm 6.000-7.000 tỷ đồng, càng đẩy áp lực tăng giá điện cho EVN.
Bên cạnh đó, việc tăng giá nhiều lần trong năm 2013 còn để bù lỗ cho các năm trước đó. Chưa kể, các chi phí đầu vào như than, khí... cũng sẽ tăng theo lộ trình để tiến tới giá thị trường…
Sau khi EVN đưa ra lộ trình tăng giá điện 2013, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, EVN nói vai trò của mình chỉ là mua - bán điện, mua cao thì phải bán giá cao, chi phí tăng thì phải tăng giá điện là chỉ "nghĩ đến mình". Chưa kể, người dân phải chịu sự tăng giá gián tiếp nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác do giá điện tăng lên.
"Nếu năm 2013, giá điện cứ 3 tháng điều chỉnh một lần trong khi kinh tế khó khăn sẽ là gánh nặng không thể chống đỡ của cả nền kinh tế và người dân", ông Doanh nói.
Vẫn cắt điện
Nói về khả năng có cắt điện luân phiên hay không khi nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, ông Khương Thế Anh, Phó Giám đốc công ty thủy điện Sơn La cho biết: việc cắt điện luân phiên không hẳn do thiếu điện, mà có rất nhiều nguyên nhân.
Việc cắt điện luân phiên có thể vẫn diễn ra bởi đường truyền kém
Theo vị Phó Giám đốc này, nguyên nhân chính của việc buộc phải cắt điện luân phiên là do đường truyền tải còn yếu kém, chưa phát triển kịp với thiết bị điện ngày một hiện đại của người dân, dẫn đến quá tải cục bộ. Vậy nên, cho dù nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động với công suất tương đối lớn nhưng điều đó không có nghĩa là việc cắt điện luân phiên sẽ chấm dứt.
Ngoài ra, theo ông Thế Anh, cho dù nhà máy đã đi vào hoạt động nhưng năm vừa qua tổng kết tăng trưởng trung bình ngành điện mới đạt khoảng 11% nên vẫn phải tiếp tục mua điện nước ngoài đắp vào phần thiếu hụt.
Dự án thuỷ điện Sơn La là công trình trọng điểm Quốc gia với công suất lắp máy 2.400 MW cung cấp sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh. Với việc về đích trước 3 năm so với kế hoạch, công trình đã đem lại trị giá khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Các đường dây truyền tải 500kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan và Sơn La - Hiệp Hoà cũng đã hoàn thành đúng tiến độ nhằm đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất của Thủy điện Sơn La... |
Sơn Trà (Khampha.vn)